🍁Một bạn nhỏ tầm hai ba tuổi đang khóc hờn chuyện gì đó trong sân chơi. Ông bố giơ roi lên, liên tục yêu cầu con nín ngay. Bố “được” con nín. Con “mất” đi sự liên kết với cảm xúc của chính mình. Mất đi cơ hội để nhận diện nhu cầu và nói lên cảm xúc của bản thân. Con nhận được một niềm tin sai lệch rằng cảm xúc là có xấu có tốt. Sự thật là cảm xúc chỉ là cảm xúc thôi. Nó như cơn đau của thể chất, giúp ta chú ý hơn đến thân tâm mình.

🍁 Bạn nhỏ muốn chơi xích đu nhưng có người đang chơi, bạn lăn ra đất khóc, đòi được chơi ngay. Bố dỗ dành và bảo bạn lớn nhường cho em. Bố “được” con nín. Con “mất” cơ hội để học chờ đợi, học trì hoãn sự thỏa mãn. Tại sao trì hoãn sự thỏa mãn lại quan trọng? Vì trong cuộc sống, thành công không đến chỉ sau một đêm. Thành công đòi hỏi sự rèn luyện bản thân và ý chí mạnh mẽ để bỏ đi cái vui thú trước mắt, nhắm đến cái lợi lâu dài. Thí nghiệm Marshmallow của Stanford được thực hiện trong 20 năm để tìm hiểu sự liên hệ giữa việc trì hoãn thỏa mãn của trẻ và viễn cảnh tương lai của chúng. Thí nghiệm rất đơn giản, họ cho trẻ một cục kẹo marshmallow và bảo “nếu con chờ được thêm 15 phút thì sẽ có thêm một viên kẹo nữa”. Các bạn có thể tìm kiếm để đọc tiếp về kết quả của thí nghiệm này. Rất là thú vị.

🍁Bạn nhỏ xuống sân chơi nhưng không chịu đi chơi, cứ bám chân ba mẹ hoặc đòi ba mẹ đi cùng. Người lớn bảo, “nhát thế”. Người lớn “được”… nói. Tuy nhiên lại “mất” những điều tuyệt vời mà lẽ ra con sẽ bộc lộ, nếu con không bị “gọi tên” như thế. Bằng dán nhãn dán, người lớn đã đóng khung con vào một tính cách nào đấy, và cũng đóng khung cả nhận thức của mình về con. Bao nhiêu người lớn lên với niềm tin rằng mình là người nhút nhát, mình không làm được. Một số người phải chiến đấu với bản thân hàng ngày để gỡ bỏ những niềm tin này. Một số khác tin vào đó và bỏ lỡ những trải nghiệm tuyệt vời của cuộc đời.
-------

Đứa trẻ nào cũng sẽ biết chờ đợi đến lượt, mạnh dạn kết bạn, nói lên nhu cầu của mình nếu được người lớn hướng dẫn đúng cách. Đó là kết quả bên ngoài của một sự rèn luyện sức mạnh tinh thần bên trong.
“Feelings are for the soul what food is for the body.” - Rudolf Steiner -

---
Bố mẹ có thấy thấp thoáng hình bóng của mình trong những trường hợp kể trên không? Quan điểm của bố mẹ về bài viết này như thế nào? Hãy để lại ý kiến của mình trong phần bình luận bên dưới nhé!